Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến,ìsaobệnhgiangmaikhópháthiệthiendia88 do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian dài mới phát bệnh, do màng tế bào xoắn khuẩn không có lipopolysaccharides bề mặt - tác nhân giúp kháng thể nhận biết nhanh tác nhân gây bệnh. Do đó, phản ứng miễn dịch không diễn ra mạnh mẽ.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh giang mai được giới y khoa ví như "kẻ bắt chước vĩ đại" vì triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thời kỳ đầu, người bệnh không có hoặc có ít triệu chứng, thường gặp là vết loét kích thước 2-4 cm (săng giang mai) ở vị trí nhiễm trùng. Săng không đau, tự khỏi mà không cần điều trị.
Ở giai đoạn thứ phát, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn nhưng tương đồng với nhiều bệnh khác. Giang mai tại miệng có thể bị nhầm thành lở miệng, nhiệt miệng, bệnh Behcet (bệnh tự miễn hiếm gặp khiến mạch máu bị viêm, gây lở loét miệng)... Giang mai tại bộ phận sinh dục có triệu chứng tương đồng mụn cóc sinh dục, mụn rộp sinh dục, hạ cam, bệnh hột xoài (u hạt bạch huyết hoa liễu), viêm bao quy đầu Zoon, u hạt vùng bẹn và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Trên da, biểu hiện giang mai cần được phân biệt với dị ứng thuốc, nhiễm nấm, mụn trứng cá, bệnh vảy nến, vảy phấn hồng, bệnh tay chân miệng, ung thư tế bào vảy, phát ban đỏ, ung thư Kaposi (u mạch máu do virus Herpes gây ra), bệnh phong, sốt phát ban Rocky Mountain, HIV cấp tính...
Người bệnh còn có thể gặp một số triệu chứng toàn thân không đặc hiệu như chán ăn, sốt, nhức đầu, cứng cổ, đau họng, chảy nước mắt, đau cơ, đau khớp, chảy nước mũi... dễ nhầm lẫn với cảm cúm, viêm amidan hay bệnh thần kinh.
Bác sĩ Bích cho biết nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng, người bệnh dễ nhầm với các bệnh thường gặp khác nên chủ quan, không đi khám sớm.
Thời điểm phát hiện, bệnh đã chuyển sang những giai đoạn muộn, tiềm ẩn nhiều biến chứng, tổn thương toàn thân như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch (gây ảnh hưởng các mạch máu lớn)... Bệnh có thể gây suy giảm trí nhớ, mù lòa, giảm thính lực đột ngột, giữ thăng bằng kém, đau nhức cơ bắp, giảm khả năng vận động, nguy cơ mắc HIV cao hơn 2-5 lần, tử vong.
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh mà không phát hiện và điều trị sớm sẽ lây sang em bé, hình thành giang mai bẩm sinh, nguy cơ thai chết lưu, sẩy thai, sinh non, tử vong sau sinh, dị tật.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh giang mai. "Các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục là cách duy nhất để giảm nguy cơ nhiễm bệnh", bác sĩ Bích nói. Nếu nghi ngờ hoặc quan hệ tình dục với người bệnh giang mai cần chủ động đến bệnh viện làm xét nghiệm sớm.
Phụ nữ có dự định sinh con cần xét nghiệm giang mai để kịp thời phát hiện và điều trị khỏi bệnh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng thai nhi.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |