Ông Lê Công Cơ (ảnh) có cuộc trao đổi với PV Thanh Niênxung quanh khát vọng xây dựng một trường ĐH nhân văn. Ông nói: "83 tuổi,átvọngkiếntạomôitrườngĐHhạnhphútaxi mai linh đà lạt tôi may mắn là trí nhớ chưa bị suy giảm, càng về sau càng nhớ tốt hơn. Hằng ngày, tôi suy nghĩ, nghĩ rất nhiều và vẫn tiếp tục góp sức mình vào xây dựng Trường ĐH Duy Tân như suốt quãng đường 29 năm qua.
Tôi rất tin tưởng vào đội ngũ trẻ hiện nay. Khi làm chiến lược phát triển nhà trường, đội ngũ chủ chốt đã tham gia ý kiến rất tâm huyết. Tôi để anh em thấy rằng trường là nhà, về nhà cũng là trường. Phải đi theo hướng như vậy thì trường mới phát triển. Anh em bây giờ có tư tưởng làm thuê. Nhưng làm ở Trường ĐH Duy Tân là làm thuê để tạo ra cái mới, phục vụ cho xã hội"…
ĐƯA NGƯỜI ĐI HỌC ĐỂ "BIẾN CÁI CỦA HỌ THÀNH CÁI CỦA MÌNH"
Trường ĐH Duy Tân đã phát triển đến giai đoạn mới, liệu việc phát triển "nóng" như vậy có quá sức của nhà trường hay không?
Từ năm 2006, khi TS Lê Nguyên Bảo về làm hiệu trưởng, trường đã thay đổi hoàn toàn. Từ năm học 2006-2007 trường đã tiến hành triển khai chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ.
TS Bảo mang triết lý giáo dục của Mỹ về và thay đổi nhận thức một bước. Cùng với đó, trường tăng cường hợp tác với các trường ĐH Mỹ, nhất là nơi TS Bảo học, ĐH Carnegie Mellon, một trong 4 trường công nghệ thông tin hàng đầu của Mỹ. Nhờ đó mà mảng công nghệ thông tin của Duy Tân vẫn luôn dẫn đầu. Trường cùng một số đối tác cùng chí hướng đã quyết định mua 24 môn học của Mỹ trị giá 2 triệu USD. Bước thay đổi quan trọng về nhận thức là trường đã đưa giảng viên sang Mỹ học, với chi phí 10.000 USD/người. Dù tốn kém nhưng anh em phải đi để thay đổi cách nhìn, phương pháp… để về làm việc với một tinh thần khác. Đến nay, trường đã đưa khoảng 500 cán bộ, giảng viên đi học tập ở nước ngoài.
Hồi đó, tôi đưa khẩu hiệu "1 năm bằng 10 năm". Việc phát triển "nóng" đã khiến đội ngũ quản lý theo không kịp, gây ra khoảng trống quản lý. Sau này, trường thiết lập mạng lưới quan hệ quốc tế rộng lớn hơn với việc thiết lập quan hệ với 4 trường ĐH lớn của Mỹ, ở các mảng công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, du lịch, kế toán, xây dựng, kiến trúc, điện tử… Trường đưa người đi học với khẩu hiệu "biến cái của họ thành cái của mình" thì việc mới thành công.
Lấp "khoảng trống" đó hẳn đã là một quá trình gian nan, thưa ông?
Từng bước từng bước, chúng tôi đã lấp đầy khoảng trống đó. Chúng tôi tập huấn liên tục về công tác quản lý. Mặc dù gây áp lực lớn và nói thật, anh em đã chịu đựng, nhưng may mắn anh em nhìn nhận rằng: thầy Cơ đã lớn tuổi còn tư duy đổi mới, thầy chịu được sao anh em trẻ không chịu được. Tôi cũng hết sức động viên anh em, truyền ngọn lửa khát khao cho anh em.
Chiến lược do tôi phác thảo ra được anh em thực hiện một cách quyết liệt. Trong bối cảnh nhà trường thiếu đủ thứ về vốn, hạ tầng…, chỉ cái có nhiều nhất là ý chí, chúng tôi làm việc miệt mài ngày đêm. Hiệu trưởng Lê Nguyên Bảo qua Mỹ trở về khi nào cũng đem theo nhiều thùng sách. Khối lượng công việc rất lớn nhưng con đường đã có thì phải nỗ lực đi.
SINH VIÊN RA TRƯỜNG PHẢI TIẾP CẬN ĐƯỢC THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG
Chủ trương về một ĐH hiện đại và nhân văn, chiến lược đến 2030 và tầm nhìn xa hơn của nhà trường là gì, thưa ông?
Khi mới thành lập trường, tôi đã viết một câu slogan Bản lĩnh Việt Nam - Đổi mới sáng tạo, vươn tới những tầm cao. Bản lĩnh VN là muôn đời bất diệt. Trong chiến lược của trường là lấy văn hóa Duy Tân gắn với đào tạo, nghiên cứu trên nền nhân văn hiện đại. Sau này, tôi đã đổi lại là Nhân văn - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo.
Nhà trường cũng làm chiến lược rất kỹ và đưa ra mục tiêu: "Tất cả vì quyền lợi học tập, nghiên cứu và việc làm của sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, khu vực và quốc tế". Trường cũng đặt ra sứ mạng "Đào tạo gắn liền với nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tạo ra những sinh viên có lòng yêu nước, có phẩm chất nhân văn mang đậm bản sắc VN, có ý thức tham gia hoạt động cộng đồng, có sức khỏe, có năng lực và kỹ năng toàn diện, tự tin, năng động, sáng tạo và trở thành công dân khởi nghiệp mang tính toàn cầu".
Vậy Duy Tân đã làm gì để trang bị cho sinh viên bước vào đời?
Để không thất nghiệp, tôi cho rằng các em cần phải giỏi về ngoại ngữ và thứ hai là phải giỏi về công nghệ. Nhà trường tập trung đào tạo kỹ năng cho SV và chọn kỹ năng mà các SV có khả năng tiếp cận với thị trường lao động.
Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn thì đầu ra của các SV phải đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học. Trong quá trình học, các em có thể tham gia các CLB để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Hiện nay trường có rất nhiều CLB phát huy được các điểm mạnh của các em. Do đó, các em khi ra trường thích nghi rất nhanh, được doanh nghiệp đánh giá cao. Ba năm liền khảo sát, cho thấy khoảng hơn 92% SV ra trường có việc làm.
THU HÚT NHÂN TÀI, TẠO SỰ KHÁC BIỆT
Nhà trường đã làm gì để thu hút nhân tài đến xây dựng môi trường giáo dục sáng tạo?
Năm 2017, tôi đi Hàn Quốc và làm việc với các trường ĐH, tôi nhận thấy họ thật sự là một đất nước sáng tạo. Tôi đề nghị họ giới thiệu những người giỏi gửi sang Trường ĐH Duy Tân và được hiệu trưởng chọn gửi một giáo sư sang nhà trường. Tiếp đó là nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Hàn Quốc, trợ lý 3 đời tổng thống Hàn Quốc, sang làm Hiệu trưởng Trường Du lịch ĐH Duy Tân. Họ ở nước giàu, vật chất họ không thiếu, thế họ đến VN, đến với Duy Tân vì điều gì? Đó là tình người.
Ngoài nhân lực cấp cao Hàn Quốc, chúng tôi cũng hợp tác với Samsung và đào tạo nhân lực. Vừa qua, Duy Tân tham gia thi quốc gia về công nghệ và 3 giải lớn nhất đều thuộc về trường.
Làm thế nào để sinh viên ra trường được quốc tế công nhận?
Hiện nay, Duy Tân có nhiều chương trình liên kết như học 2 năm trong nước và 2 năm học tại Mỹ… một số SV đã đi theo con đường này. Hiện Duy Tân đang hướng đến việc trường ĐH Mỹ đào tạo tại nhà trường và cấp bằng của Mỹ, cụ thể là chương trình du học tại chỗ lấy bằng Mỹ với ĐH Troy. Muốn vào chương trình này thì SV phải có IELTS 5.5 trở lên. Hiện phần lớn các SV xuất sắc ra trường được các doanh nghiệp săn đón và lấy hết. Nhà trường không giữ được người nào. (cười)
Với khát vọng "Duy Tân", nhà trường tự làm mới mình thế nào để vẫn giữ được sự khác biệt?
Tôi tâm niệm phải tạo ra môi trường nhân văn, dân chủ, hạnh phúc. Hạnh phúc phải dân chủ. Dân chủ không phải quá trớn mà làm việc gì cũng phải bàn nhau, để thống nhất, để phát huy trí tuệ của anh em. Dân chủ để đổi mới để sáng tạo.
Sẽ xây dựng một ĐH phúc lợi, nhân văn
Quỹ thời gian của tôi còn không nhiều, tôi luôn nói với anh em làm sao xây dựng được môi trường ĐH hạnh phúc. Hạnh phúc không có nghĩa xa vời, làm sao tạo cho anh em giảng viên, đội ngũ nhà trường có đời sống vật chất, tinh thần ổn định. Hạnh phúc trong tầm tay của mình chứ không phải hình mẫu của đất nước nào xa lạ.
Tôi đang chuẩn bị xuất bản cuốn sách thứ 10 với tựa Từ tinh thần nhân văn hướng tới trường ĐH hạnh phúc dày 368 trang (NXB Hội Nhà văn) có nói đến nội dung này. Tương lai tôi sẽ xây dựng một ĐH phúc lợi, nhân văn. Hằng năm, chúng tôi đều cấp học bổng cho các SV với tổng mức hàng chục tỉ đồng. Năm nay SV một số tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cũng đều được trường giảm học phí. Có những SV kêu không có học phí, tôi cho "học chịu".
Anh hùng lao động - Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Duy Tân