Như Thanh Niênthông tin,Đãingộxứngđángđểthuhútngườitàanh vs hungary tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TP.HCM ngày 17.8, đại diện Sở KH-CN trao đổi về đề xuất mức lương 120 triệu đồng cho chức danh lãnh đạo làm khoa học. Bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TP.HCM), cho biết việc đề xuất mức lương cao nhằm thu hút người tài, chuyên gia tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Thông qua đó, TP.HCM có được những nghiên cứu hiệu quả, chất lượng.
Bà Sương cũng giải thích việc đề xuất mức lương 120 triệu đồng/tháng không phải chỉ tập trung việc tăng thu nhập cho người làm khoa học, mà TP.HCM hướng đến tầm nhìn cao hơn là xây dựng một số đơn vị nghiên cứu hàng đầu được quốc tế công nhận. Bởi trên thực tế, TP.HCM có nhiều đơn vị nghiên cứu nhưng lại chưa có trung tâm tầm cỡ, đạt chuẩn quốc tế.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Quản lý Khoa học, Sở KH-CN TP.HCM đã kiến nghị sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ công lập trực thuộc UBND TP.HCM để hình thành viện công nghệ tiên tiến. Trên cơ sở đó, TP.HCM tập trung nguồn lực đầu tư trang bị, cơ sở vật chất hiện đại, xây dựng chế độ làm việc cho nhân sự, trong đó có ưu đãi về thu nhập.
Khoản "đầu tư" xứng đáng
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ đồng tình, ủng hộ việc tăng đãi ngộ để thu hút, giữ chân người tài trong cơ quan nhà nước. "Rất đồng tình với đề xuất này, tôi tin đây là những khoản đầu tư xứng đáng giúp thu hút nhân tài. Thực tế tình trạng chảy máu chất xám ở VN diễn ra vì nhiều người giỏi chưa được trả công xứng đáng với năng lực. Việc nhìn nhận lại và có hướng khắc phục là cách mà cơ quan bộ ngành có liên quan cần phải xem xét gấp", BĐ Nguyễn Xuyến ủng hộ.
Cùng quan điểm, BĐ Lê Chín ý kiến: "Tôi hoàn toàn ủng hộ! Thực tế nếu người có năng lực, được đào tạo bài bản thì không thể chôn chân ở một nơi mà không được trả công xứng đáng. Không khó hiểu khi hiện nay, tình trạng sinh viên du học sau đó chọn ở lại nước ngoài công tác ngày càng nhiều. Nhà nước cần xem xét cân chỉnh mức thù lao cho xứng đáng để người có năng lực hăng say làm việc, cống hiến".
"Khi bạn có năng lực nhưng không được trân trọng thì rất dễ bị nản và muốn từ bỏ. Thị trường lao động chúng ta người tài không ít, nhưng chế độ thì vẫn chưa tương xứng. Đây cũng là lý do kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nhà nước", BĐ Quốc Thiên nhận định. Còn BĐ Lê Hòa thẳng thắn: "Bất cứ công việc nào cũng cần đến yếu tố thực tế. Đã đến lúc người lao động tài năng, có năng lực cần được trả công xứng đáng hơn để thúc đẩy tinh thần làm việc, cống hiến".
Cần thêm nhiều chính sách đột phá
Nhiều ý kiến cũng cho rằng để giữ chân người giỏi làm việc lâu dài thì đãi ngộ về vật chất chỉ là yếu tố ban đầu. "Muốn giữ được người giỏi phục vụ lâu dài thì ngoài chính sách đãi ngộ về vật chất, rất mong các cơ quan ban ngành tạo môi trường, điều kiện làm việc để họ phát huy hết khả năng trí tuệ, cũng như sự thăng tiến vươn xa hơn cho họ trong tương lai. Có như vậy thì tôi tin những người tài sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi có ý định rời đi", BĐ Uyên Nhi góp ý.
Tương tự, BĐ Tuấn Anh ý kiến: "Tôi cho rằng việc trả lương cao, chế độ phúc lợi tốt là một trong những yếu tố giữ chân người tài. Bên cạnh đó, môi trường làm việc, sự năng động có tâm có tầm của lãnh đạo tổ chức... cũng không kém phần quan trọng. Đây là các vấn đề then chốt mà người giỏi họ sẽ cân nhắc quyết định có sẵn sàng gắn bó, cống hiến lâu dài hay không".
"Không riêng gì TP.HCM mà các tỉnh thành trên cả nước cần có nhiều chính sách đột phá dành cho người tài, người giỏi. Khi có đãi ngộ vật chất xứng đáng, môi trường làm việc cởi mở thân thiện, không bị gò bó, trì trệ... thì những người tài sẽ vững tâm công tác, cống hiến cho khoa học, cho xã hội với các công trình nghiên cứu thực tiễn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý làm sao chọn được người vừa có tài vừa phù hợp để không lãng phí thời gian, tiền của", BĐ Chu Thiện góp ý.
Cần có những hành động cho thấy chúng ta tôn trọng, trân quý công việc của họ thì bù lại, họ sẽ có động lực để làm việc tốt hơn. Nói thật thu nhập dành cho nhân tài hiện nay là chưa phù hợp, cần xem xét lại gấp.
Mạnh Hùng
Khi có đãi ngộ xứng đáng thì những người giỏi sẽ an tâm công tác, cống hiến và chúng ta sẽ giảm tải được tình trạng chảy máu chất xám.
Anh Thy